Lượt xem: 699

Khảo sát tình hình hạn mặn trên cây ăn trái ở huyện Kế Sách

Kế Sách là huyện có vùng cây ăn trái trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, những ngày qua, Kế Sách đang đối mặt với đợt hạn, mặn gay gắt có thể ảnh hưởng lớn đến cây trồng. Để đánh giá mức độ xâm nhập mặn, đưa ra các giải pháp ứng phó với hạn, mặn phù hợp là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.

Quan sát tình trạng rụng lá sầu riêng ở Hợp tác xã Quyết Thắng, xã Xuân Hòa. Ảnh Bá Quan

    Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kế Sách và Ủy ban nhân dân các xã vừa có chuyến khảo sát tình hình hạn, mặn đối với cây ăn trái. Tham gia đoàn khảo sát có Tiến sĩ Võ Hữu Thoại - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và các chuyên gia của Viện; đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, lãnh đạo Phòng NN& PTNT và Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Kế Sách.

    Tại xã Phong Nẫm, đoàn khảo sát tại ấp Phong Hòa trên vườn sầu riêng và vườn xoài có dấu hiệu cháy lá, nhà vườn nghi ngờ cây bị ảnh hưởng do mặn. Độ mặn trong mương vườn đo được ở mức trên 1‰ do bị rò rỉ từ ngoài vào; vườn được tưới bằng hệ thống vòi phun thấp. Quan sát các vết cháy trên lá, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam xác định, lá bị thiệt hại là do nấm bệnh, không phải thiệt hại do mặn. Riêng vườn sầu riêng, cây phát triển kém còn do cây không được che bớt nắng nóng trong giai đoạn cây còn non. Nhà vườn được đoàn khuyến cáo bơm xả bỏ nước mặn trong mương, tranh thủ lấy nguồn nước ngọt để tưới và trữ lại, che bớt nắng cho cây sầu riêng.

    Tại Hợp tác xã Quyết Thắng (xã Xuân Hòa), đoàn khảo sát tại vườn chuyên canh sầu riêng đang ở giai đoạn ra bông và mang trái của ông Đoàn Văn Năm, trong vườn có một vài cây bị rụng lá hàng loạt được nhà vườn cho rằng do ảnh hưởng mặn. Tuy nhiên, sau khi quan sát triệu chứng khô, cháy trên lá cây bị rụng; xem xét hệ thống rễ cây, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại xác định, cây không bị ngộ độc mặn mà do bị nhiễm sâu bệnh trên lá (bệnh thán thư, rầy nhảy) và bộ rễ bị nấm tấn công làm cây bị suy yếu và rụng lá. Các chuyên gia về côn trùng và bệnh hại đã hướng dẫn nhà vườn cách điều trị cây sầu riêng bị sâu bệnh, phòng ngừa đối với cây chưa bị nhiễm sâu bệnh; đồng thời, lưu ý nhà vườn về việc chăm sóc cây ra bông, để trái trong điều kiện hạn, mặn là chỉ tưới khi nước nhiễm mặn dưới 0,5‰, tốt nhất chỉ 0,2-0,3‰, tỉa bớt bông, trái và cân nhắc việc xử lý ra hoa trong điều kiện bị xâm nhập mặn uy hiếp.

    Dịp này, các nhà vườn cũng được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ về cách giải độc mặn trong trường hợp nước mặn rò rỉ vào vườn, cách lấy mẫu nước để đo mặn, cách chăm sóc, bón phân cho cây sầu riêng để giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Vũ Bá Quan


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 8110
  • Trong tuần: 78,817
  • Tất cả: 11,802,137